Tài liệu hướng dẫn thi công trần thả, trần nổi

  • Thời gian : 16-06-15

Dưới đây là bài hướng dẫn cơ bản về lắp dựng trần thả ( trần nổi), thường hay được sử dụng trong các công trình văn phòng, nhà xưởng sản xuất. hoặc các hạng mục có mặt bằng rộng.

1. Chuẩn bị:
Dụng cụ: Khoan bêtông, quần áo BHLĐ, dàn giáo, dây mực, ống nước Livô, máy bắn cốt bằng Laser            
Vật tư: Thanh xương T3.6, T1.2, T0.6, V sơn viền tường ( V góc), tấm thạch cao trang trí, bas treo, tăng đơ, ty thép, nở sắt, vít dù...

2. Thi công: Sau khi nhận được mặt bằng và chuẩn bị đầy đủ dụng cụ vật tư cần thiết, chúng ta tiến hành thi công.   

 Xác định cao độ trần: Dùng máy laser (hoặc ống nước Livô) để đánh dấu cốt trần tạm thời ở trên tường và trên cột (các điểm này nhiều hay ít phụ thuộc vào  kích thước của phòng) và từ đây ta dễ dàng xác định được cao độ trần bằng cách dùng thước đo từ các điểm đã xác định trước lên đến điểm  cao độ trần cần tìm. Dùng dây mực đánh dấu nối các điểm này lại với nhau ta có các đường thẳng in dấu mực trên tường, các đường thẳng này là cốt trần ta cần xác định. 
 Lắp ghép khung xương: Sau khi xác định được cốt trần, ta tiến hành đóng ( hoặc gắn) V tường xung quanh ( lưu ý khoảng cách giữ hai điểm đóng đinh bê tông là 20 - 25cm ). Dùng khoan bê tông ( mũi khoan f6 ) khoan vào trần thô bêtông phía trên ( nếu là trần khung nhà thép tiền chế thì ty thép được buộc vào xà gồ hoặc gắn Bastreo vào xà gồ, sau đó móc ty thép vào Bastreo ), sau đó đóng nở sắt đã có gắn sãn Bastreo từ trước vào các vị trí lỗ đã được khoan ( khoảng cách của các vị trí này 90 - 100 x 120cm ),

Dùng dây thép uốn hai đầu hình móc câu ngược nhau ( Xác định chiều dài của ty thép bằng cách đo từ cốt trần lên điểm móc dây thép cộng thêm 15 - 20cm ( để thuận tiện cho việc cân giàn sau này ). Cắt đôi dây thép một đầu móc vào Bastreo và được nối so le với nhau bằng tăng đơ ( tăng đơ này có tác dụng điều chỉnh độ ngắn dài của dây thép ), kết thúc việc treo ty thép ta được các điểm treo khung xương có khoảng cách 90 - 100 x 120cm. Sau khi có các điểm treo ta tiến hành treo khung xương theo trình tự. trước tiên ta tiến hành treo thanh T3.6 bằng cách móc một đầu còn lại của ty thép vào các lỗ có sẵn trên thanh T3.6, khoảng cách giữa hai thanh T3.6 là 1,2m, tiếp theo cài thanh T1.2 vuông góc với thanh T3.6 bằng các đầu cài vào các lỗ có sẵn trên thanh T3.6, khoảng cách giữa hai thanh T1.2 là 60cm, kết thúc việc treo thanh T1.2 ta được hệ khung xương có kích thước 60 x120cm, để có hệ khung xương có kích thước 60 x60cm ta chỉ việc cài thêm thanh T0.6 vào giữa hai thanh T1.2.


 
Cân giàn: Dùng dây căng từ mép V bên này sang mép V đối diện ( các điểm này nhiều hay ít phụ thuộc vào kích thước mặt bằng hiện đang thi công ) điều chỉnh và cân hệ khung xương theo dây cân giàn bằng cách một tay bóp mạnh vào đầu tăng đơ và một tay điều chỉnh dây thép treo, kết thúc việc cân giàn ta được một hệ khung xương hoàn chỉnh. (Với những công trình có mặt bằng rộng như nhà xưởng công nghiệp thì tại những điểm giao giữa thanh T và V góc có thể chốt bằng vít để cho hệ xương được cố định và vững chắc hơn)

Thả tấm: Khi đã có hệ khung xương hoàn chỉnh 60 x 120 hoặc 60 x60 bước tiếp theo là thả tấm. Tùy theo kích thước của khung xương để chọn kích thước của tấm thả cho phù hợp, các tấm trần được thả vào các ô của khung xương ( lưu ý trong việc thả tấm tay phải được lau sạch hoặc đeo găng tay, tránh tình trạng để lại các vết bẩn do dấu tay để lại trên mặt tấm).

Kết thúc việc thả tấm ta có một hệ trần treo hoàn thiện.

                                                                                                                                                                          Sưu tầm và biên soạn bởi Gypco.vn